Thư gửi bác Phêrô

Bác Phêrô kính mến! Khi sắc tím phủ lên không gian phụng vụ, thì có lẽ cũng là lúc mà giới truyền thông, báo chí và nhiều người sẽ tốn nhiều giấy mực để viết về bác, với những mảng màu sáng tối phân cực trong cuộc đời bác. Cháu cũng vậy, cháu xin dành một ít giấy mực để tâm sự với bác, cũng như để thỉnh giáo bác một số vấn đề.

Bác à! Mấy ngày hôm nay chúng cháu vọng tầm nhìn về phía xa xăm của hơn hai ngàn năm về trước để lắng nghe tiếng chửi rủa, khạc nhổ, la hét và cả những lời chối Chúa trong cuộc khổ nạn của Thầy Giêsu năm xưa (x. Mt 26-270). Chúng cháu vẫn thắc mắc với nhau: tại sao bác được Thầy Giêsu yêu thương là thế: Bác chẳng bằng cấp, chẳng học vị cao sang, bác chỉ là một ngư phủ ít học nhưng lại được Thầy Giêsu chọn gọi (x. Mt 4, 18-22). Bác luôn có mặt trong những biến cố quan trọng của Thầy (x. Mc 9, 2-8; 14, 32-72; Ga 20, 1-10). Chính bác là người đã tuyên xưng đức tin và được Thầy khen là người có phúc vì đã được chính Chúa Cha mặc khải cho (x. Mc 8, 27-30). Bác còn được Thầy Giêsu ưu ái đặt làm đá tảng Giáo hội, đứng đầu nhóm Mười Hai (x. Mt 16, 13-20; Ga 21, 1-17). Không một ưu ái nào Thầy Giêsu dành cho các môn đệ mà không có bác. Cứ ngỡ rằng với những đặc ân ấy, bác nghiễm nhiên trở thành người kề cận của Đức Giêsu, song hành với Người, trở nên gần gũi với Người và là một người môn đệ đích thực và kiểu mẫu. Đáng buồn thay, dù bác vẫn theo Chúa, nhưng chỉ là theo “đàng xa”. Có lẽ bác theo Thầy Giêsu từ “xa xa” nên nội lực và tình yêu không đủ mạnh để chống lại nỗi sợ của con người, của thời cuộc. Với chỉ một lời nói của một tớ gái thì bác đã chối Thầy đay đảy (x. Mt 26, 69-75).

Cháu cùng với con người thời đại hôm nay vẫn luôn trách bác: Sao bác không đi cạnh Thầy, gần gũi Thầy Giêsu trong cuộc khổ nạn, để Thầy bớt cô đơn? Trách bác là thế, nhưng nhìn lại cháu và con người ngày hôm nay cũng vậy, cũng chỉ theo Chúa “xa xa”. Mặc dầu phần lớn chúng cháu là những người đã được rửa tội từ khi còn nằm trên tay mẹ, được nuôi dưỡng bởi bầu khí gia đình Công giáo trong suốt một thời gian dài. Như một thói quen tốt, chúng cháu dâng thánh lễ hàng ngày, tham dự các giờ kinh trong gia đình. Thế nhưng, khoảng cách giữa chúng cháu vẫn còn “xa xa” như bác dạo trước. Chúng cháu đọc những câu kinh, nhưng không ý thức về những gì mình đọc. Hay tệ hơn nữa là mỗi lúc tham dự thánh lễ chúng cháu chỉ đứng im như trời trồng. Bởi đầu óc chúng cháu bị mặt trái của “con ma internet” ám thị, dắt mũi. Chúng cháu dành phần lớn thời gian cho tiktok, chụp choẹt, nghĩ cap, đăng ảnh…,  nên chúng cháu chẳng còn giờ nghĩ đến Chúa, gặp gỡ và sống với Chúa. Chúng cháu tham gia tích cực vào các hội đoàn trong giáo xứ. Là thành viên của những nhóm này, hội nọ nhiều lúc chỉ là để thi thố tài năng. Tệ hơn nữa, trong bọn cháu có người dù mang tiếng là Công giáo, nhưng đã từ lâu không còn biết đến nhà thờ hay các bí tích.

Bác à! Có lúc chúng cháu trách bác, nhưng vẫn khâm phục bác vì sự dũng cảm nhận ra lầm lỗi của mình. Khi Thầy Giêsu, với khuôn mặt loang lổ máu và mồ hôi, quay lại nhìn bác với ánh mắt thân thương đi vào trái tim thất tín không ngủ yên của bác, giúp bác sực tỉnh, trút rỗng chính mình, trút rỗng hết mọi sợ hãi (x. Lc 22, 54-62). Bác bật khóc. Giọt nước mắt của bác là giọt nước mắt của kẻ nhận ra mình được yêu. Chạm vào ánh mắt của Thầy Giêsu, bác hiểu rằng mình đã được Thầy tha thứ trước cả khi ý thức mình có lỗi với Thầy. Ánh mắt ấy đã dắt dìu bác, dù vấp ngã nhưng không gục ngã, để bác đứng lên làm lại cuộc đời. Còn chúng cháu đã bao “mùa áo tím” qua đi, bao âm hưởng của dòng nhạc “trở về” vẫn vang vọng, bao lời thơ vẫn cứ gọi mời:

“Ớt nào mà ớt chẳng cay

Thần dược sám hối đánh bay bệnh tình

Ăn năn sám hối hãm mình

Thời gian hối thúc đừng nhìn cho qua”.

Sắc màu ấy, dòng nhạc, lời thơ ấy vẫn như đang giục giã, kêu mời chúng cháu đừng buông lơi, đừng bỏ cuộc sau những lần vấp ngã, nhưng chúng cháu vẫn phớt lờ và bàng quan để lòng im bặt. Chúng cháu vẫn chưa có được lòng sám hối thật sự, như là cú nhảy vọt trong hành trình đức tin để theo Chúa gần hơn, bắt gặp được ánh mắt đầy thương xót và để quay gót trở về.

Bác ơi, trong hành trình cuộc đời mình, chúng cháu cần lắm một lần được chạm vào ánh mắt yêu thương của Chúa như bác, để chúng cháu sực tỉnh trước lầm lỗi của bản thân, cũng như trước tình yêu diệu vời mà Chúa. Chúng cháu cần lắm một lần được khóc như bác để nhận ra tình yêu vô bờ mà Chúa và nhận ra con người thực của mình. Xin bác hãy nói với Chúa giùm để chúng cháu biết đừng để tội lỗi làm chùn lòng, nhưng hãy để tình yêu của Ngài cuốn hút, thúc bách, dục giã con tim can đảm lên đường; biết đứng lên cho dẫu trên muôn nẻo đi lối về của cuộc nhân sinh, với thân phận tại thế có những lần vấp ngã nhưng không gục ngã; cho chúng cháu luôn biết nương, biết tựa, và biết dựa vào Chúa. Xin chữa lành những vết thương còn vương mùi thế tục, những gục ngã, giả trá được trả lại bình an, những gian nan khốn khó sẽ có chỗ vỗ về, để một chốn quay về có vòng tay của Chúa.

Kính thư,

Cháu: M. Ánh, MTG Vinh